(PetroTimes) - Dư luận đang quan tâm tới chuyến công du đến 3 quốc gia châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (từ 5/4). Bởi đây được coi là động thái nhằm khẳng định cam kết của Washington đối với chính sách tái cân bằng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Hơn nữa, chuyến công du của ông Chuck Hagel diễn ra đúng thời điểm ông Hồ Đức Bình, con trai cả của cố Tổng bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang, bạn thân của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản (đầu tháng 4) để gặp cựu Thủ tướng Yasuo Fukuda, Yukio Hatoyama và Tomiichi Murayama, cùng một số chính khách của nước này nhằm tìm cách cải thiện quan hệ song phương.
Năng lượng Mới số 309 Theo đuổi vụ kiện đến cùng Ngày 30/3, biên bản ghi nhớ các luận chứng cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế đã được Philippines đệ trình lên Tòa án Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển (ITLOS) theo đúng hạn định. Trong đơn kiện của mình (dài 4.000 trang tài liệu, chia thành 10 tập, trong đó có hơn 40 bản đồ), Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (tức 1.611km) đều là phi pháp lẫn phi lý theo Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà Manila và Bắc Kinh đều ký. Chiều 30/3, Philippines họp báo, công bố thông tin liên quan đến vấn đề này. Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố, đây là việc xác định những gì là quyền và lợi ích hợp pháp của Philippines, là việc làm đảm bảo tương lai cho con cháu, giữ gìn bảo vệ tự do hàng hải, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc - tàu tiếp tế của Philippines Luật sư trưởng Francis Jardeleza, người được Chính phủ Philippines ủy thác làm trưởng nhóm chuyên gia, luật sư tranh tụng vụ kiện này đã chấp bút soạn thảo bản thuyết trình cho biết, Manila đã sửa đổi yêu sách bao gồm cả bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) vì cho rằng nằm trong vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý của quốc gia này. Trước đó, tờ Inquirer Daily dẫn lời nhóm luật sư Anh và Mỹ đại diện cho Philippines khẳng định, Manila đang đấu tranh về mặt pháp lý quốc tế nhằm khẳng định quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo UNCLOS. Ông Paul Reichler, trưởng nhóm luật sư đại diện cho Philippines cho biết, Manila đã lập hồ sơ kiện từ tháng 1/2013, nhưng Trung Quốc luôn từ chối có mặt trong vụ này. Theo chuyên gia pháp lý, Hội đồng trọng tài sẽ mất vài tháng để đánh giá vụ việc. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng khẳng định, Manila muốn Hội đồng trọng tài sẽ làm rõ quyền của Philippines đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực EEZ của mình, cũng như quyền thực thi pháp luật của họ trong các khu vực này. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Manila tiếp tục thách thức yêu sách vô lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh muốn Manila dừng vụ kiện “đường lưỡi bò” ra ITLOS hôm 30/3. Bà Abigail Valte, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, nước này sẽ theo đuổi đến cùng vụ kiện; đồng thời cho biết Manila đã nhận thức được những khó khăn, nhưng ít nhất sẽ bổ sung cho quan điểm của Philippines đối với vấn đề này. Sau khi Manila đưa “đường lưỡi bò” Trung Quốc vi phạm UNCLOS ra ITLOS hồi tháng 1/2013, nhưng Bắc Kinh liên tục từ chối tham gia. Trung Quốc cũng nhấn mạnh, vụ kiện của Philippines sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Ngày 26/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines. Ngày 29/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, tàu vận chuyển nhu yếu phẩm cung cấp cho tiểu đội lính thủy đánh bộ Philippines đồn trú ngoài bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã bị 4 tàu Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng bất thành. Chiều 29/3, chiếc tàu kể trên đã tiếp cận được xác chiến hạm cũ BRP Sierra Marde mà Philippines đánh chìm ngoài bãi Cỏ Mây năm 1999. Cũng trong ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố lên án hành vi quấy rối của tàu cảnh sát biển Trung Quốc khi tàu của chính phủ Philippines đang chở binh sĩ và đồ tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên chiếc tàu hải quân cũ ở bãi Cỏ Mây. Ngày 28/3, Hàn Quốc đã ký hợp đồng xuất khẩu 12 máy bay chiến đấu FA-50 cho Philippines, với trị giá 420 triệu USD. Lễ ký diễn ra tại trụ sở của Bộ Quốc phòng Philippines, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin. Trước đó (26/3), một quan chức cao cấp không quân Hàn Quốc cho biết, Seoul đang cân nhắc thuê máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ để lấp chỗ trống do sự chậm trễ trong việc mua sắm và phát triển máy bay tạo nên. Cũng trong ngày 26/3, tờ The Japan Times cho biết, Tokyo đang lập hồ sơ yêu cầu sửa đổi hiệp định đánh bắt cá song phương với Trung Quốc, theo đó cho phép lực lượng tuần tra Nhật Bản bắt và trừng phạt mạnh hơn tàu cá Trung Quốc săn trộm san hô đỏ quanh khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Vừa đánh vừa đàm Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tới Tokyo (từ 5/4) để hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Ngoại trưởng Fumio Kishida và thảo luận với người đồng cấp Itsunori Onodera về phương hướng hợp tác quốc phòng song phương. Sau đó, ông Chuck Hagel sẽ thăm Trung Quốc (từ 7 đến 10/4) và Mông Cổ. Trước đó (từ 1 đến 3/4), ông Chuck Hagel sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN tại Honolulu, bang Hawaii, Mỹ. Đây là lần đầu tiên ASEAN tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng tại Mỹ. Ngày 26/3, Forbes đăng bình luận của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, theo đó Trung Quốc đang tìm cách "viết lại luật biển" để khẳng định chủ quyền ranh giới biển mà Bắc Kinh yêu sách và việc này "gây khó chịu" đối với một số nước láng giềng và các bên liên quan, trong đó có Mỹ. Người phát ngôn Tổng thống Philippines Abigail Valte Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul, Tokyo và Washington sẽ tổ chức đồng thời 2 cuộc gặp giữa các quan chức quốc phòng và trưởng đoàn đàm phán sáu bên của 3 nước trong tháng 4. Đây là vòng đối thoại quốc phòng lần thứ 6 giữa 3 nước và cơ chế đối thoại 3 bên này bắt đầu được tiến hành từ năm 2008. Tại cuộc họp báo ngày 28/3, Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Wi Won-seop cho biết, cuộc gặp quan chức quốc phòng 3 bên sẽ diễn ra trong 2 ngày (17 và 18/4) tại thủ đô Washington, Mỹ. Ngày 28/3, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho rằng, những bình luận "đổi Biển Đông lấy Đài Loan" của truyền thông Mỹ là hết sức hoang đường. Trước đó (20/3), tờ The New York Times dẫn phân tích của Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia Hugh White xung quanh chủ đề này. Tạp chí Time (Mỹ) cho rằng, Bộ Tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt của Mỹ (USSCOM) đang có kế hoạch xây dựng kho dữ liệu trinh sát ở một số quốc gia và khu vực mà họ coi là đang có nhu cầu cấp bách. Bên cạnh việc triển khai lực lượng đặc nhiệm, USSOCOM còn có kế hoạch mở rộng hợp đồng hiện tại về cung cấp dữ liệu với Công ty Geo Eye Analytics thuộc Tập đoàn Digital Globe có trụ sở tại Longmont, bang Colorado (Mỹ). Quân đội Mỹ cho biết, trong tháng 4 sẽ điều thêm Thủy quân lục chiến đến đóng ở thành phố Darwin, miền Bắc Australia. Căn cứ theo thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Australia, muộn nhất đến 2016-2017, số quân đồn trú ở Australia của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lên tới 2.500 quân. Ngày 29/3, Hãng Bloomberg cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục bảo vệ sự gia tăng tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không bao giờ bành trướng ở Châu Á - Thái Bình Dương ngay cả khi tăng cường sự hiện diện ngoại giao và quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Tập Cận Bình, việc Trung Quốc trang bị các loại vũ khí công nghệ cao và thiết bị quân sự là "hoàn toàn bình thường" để Bắc Kinh có thể bảo vệ "lợi ích của mình". Cũng trong ngày 29/3, tờ "Tin tức Trung Quốc" đưa tin, tàu khảo sát khoa học hải dương Trung Quốc "Hướng Dương Hồng 10" đã chính thức trở thành thành viên của Đội tàu khảo sát biển quốc gia tại Trường Châu, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Tàu “Hướng Dương Hồng 10” sẽ tập trung hoạt động ở Ấn Độ Dương, và nghiên cứu khoa học ở các vùng biển như Đại Tây Dương, Biển Đông. Không quên quá khứ Ngày 31/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã chỉ trích phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc vì ông Tập Cận Bình đưa ra những nhận xét không có lợi ích gì về "tội ác chiến tranh của Nhật Bản" trong khi đang thăm Đức. Trước đó (30/3), cũng tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn bài phát biểu tại Berlin, Đức của ông Tập Cận Bình khi nói rằng: Hành động tàn bạo của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II vẫn "mới nguyên trong trí nhớ" và Trung Quốc cần xây dựng lực lượng phòng thủ để chống lại sự xâm lược. Ngày 28/3, Hãng GMA News (Philippines) cũng dẫn phát biểu tại Berlin (Đức) của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẽ không hành động gây hấn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng sẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực này. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida Theo dự thảo “Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2014”, Tokyo quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình, đồng thời chỉ trích các nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Dự thảo cũng đề cập tới việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự nhờ ngân sách quốc phòng gia tăng liên tục nhưng không minh bạch. Dự thảo do Bộ Ngoại giao chắp bút sẽ được công bố sau khi được nội các phê chuẩn ngày 4/4. Giới truyền thông cho rằng, Trung Quốc đã tức giận trước sự so sánh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về hành động của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông và Biển Đông với hành động của Nga trong vấn đề Crimea. Trong khi đó Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đối thoại cấp cao, nhưng cho rằng quả bóng đang ở phía Trung Quốc. Ngày 27/3, ông Shinzo Abe tuyên bố: những gì đang xảy ra ở Crimea có thể xảy ra ở châu Á, đồng thời cảnh báo khu vực này đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng những hành động đang xảy ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo nhận định của giới chuyên môn, cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ gặp khó khăn. Nhưng điều này lại khiến Bắc Kinh hoan hỉ. Bởi theo dự kiến, từ nay đến 2020, Mỹ sẽ tập trung tới 60% lực lượng hải quân tại Châu Á - Thái Bình Dương và việc này cản trở kế hoạch bành trướng của Trung Quốc. Theo tờ Jakarta Post (Indonesia), ngày 29/3, lực lượng hải quân và tàu chiến của 18 quốc gia với 4.885 binh sĩ đã tới vịnh Batam (Indonesia) để dự lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Komodo 2014, diễn ra từ 29/3 đến 3/4. Mặc dù Indonesia tuyên bố không tranh chấp ở Biển Đông, nhưng “đường lưỡi bò” Trung Quốc nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia và ngư dân nước này từng tiến vào quần đảo Natuna dẫn đến va chạm. Được biết, Trung Quốc đã không đưa Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) vào danh sách mời dự Lễ duyệt hạm quốc tế mà Bắc Kinh dự kiến tổ chức trong tháng 4 ở thành phố ven biển Thanh Đảo với sự tham dự của quan chức hải quân đến từ hơn 20 nước Châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 26/3, tờ Washington Free Beacon (Mỹ) đăng bài "Ba loại phương thức tác chiến" để cảnh báo, Trung Quốc đang phát động "chiến tranh chính trị" với Mỹ và đây là một phần của chiến lược trục xuất quân Mỹ khỏi châu Á. Đây chính là tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến (gọi tắt là tam chiến) mà Trung Quốc đang tiến hành. Theo Giáo sư Stefan Halper thuộc Đại học Cambridge: Tam chiến là vũ khí lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông. Và Trung Quốc coi "tam chiến" là vũ khí mang tính tấn công, điều này hoàn toàn khác với tư tưởng của khoa học quân sự Mỹ. Do đó, Washington cần có biện pháp đáp trả hiệu quả đối với "tam chiến" của Bắc Kinh.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh |