[Giáo dục -Báo Tin tức] - Thí sinh lúng túng với đổi mới tuyển sinh

Là năm đầu tiên thí điểm phương án tuyển sinh ĐH,CĐ đổi mới, nhưng thông tin về phương án tuyển sinh xem ra vẫn còn chưa rõ ràng, khiến cho nhiều thí sinh đến nay vẫn đang lúng túng với việc chọn trường, đăng ký hồ sơ dự thi.


Chọn trường ”ba chung” cho an toàn


Thực hiện phương án đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, có 62 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép tuyển sinh riêng. Trong số này có nhiều trường chọn phương án xét tuyển từ kết quả học tập năm lớp 12 của học sinh. Nhiều trường lại chọn phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển... Đây hoàn toàn là những phương án tuyển sinh mới, khiến học sinh khá lúng túng.


Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường ĐH,CĐ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2014.


Em Phạm Thu Trà, học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cho biết: “Bên cạnh những trường vẫn chọn phương án truyền thống là “3 chung”, năm nay có nhiều trường chọn phương án tuyển sinh riêng với những quy định rất riêng về việc xét tuyển, thi, thi kết hợp xét tuyển... khiến học sinh rất lúng túng. Thay vì chỉ phải chọn trường, khối thi, năm nay chúng em còn phải tìm hiểu xem trường, khối thi ấy của mình sẽ tuyển sinh theo cách nào để đăng ký. Trong khi đó, những thông tin này chưa đầy đủ, rất mất thời gian tìm kiếm”.


Theo em Phạm Thu Trà, nếu chỉ trông chờ vào cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014” thì sẽ chưa đủ thông tin do cuốn sách mới chỉ cập nhật đến ngày 6/3/2014, trong khi một số nội dung còn sai sót. Còn website các trường thì cũng có trường cập nhật đầy đủ, có trường thông tin rất sơ sài. “Bên cạnh đó, bản thân nhiều trường hiện cũng chưa biết mình có được tuyển sinh riêng hay không, do Bộ vẫn đang xem xét, vì vậy khiến học sinh vô cùng lo lắng và lúng túng”, Thu Trà chia sẻ.


Với xu hướng tuyển sinh như năm nay, kết quả học tập ở bậc THPT, gồm kết quả các môn văn hóa, kết quả thi tốt nghiệp THPT, các kỹ năng mềm, năng khiếu... sẽ có tính quyết định trong đợt thi tuyển, xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ.

Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều học sinh hiện nay khi đăng ký dự thi và nộp hồ sơ vào các trường. Nhiều em cho biết, để đảm bảo “an toàn”, đã đổi từ trường đang “bấp bênh” trong phương án tuyển sinh năm nay, sang những trường đã chắc chắn chọn phương án “3 chung”. “Dù đó là trường em không dự định chọn ban đầu, nhưng nếu cứ chờ phương án tuyển sinh của trường mình muốn đăng ký, em lại sợ sẽ chậm mất, nên đã đổi trường thi”, Quang Anh- một học sinh của Hà Nội chia sẻ.


Cũng theo Quang Anh, hiện có quy định là khi đăng ký dự thi vào một số trường tổ chức thi riêng thì kết quả không được xét tuyển vào các trường khác. “Như vậy phải chắc chắn đỗ thì mới nên đăng ký dự thi vào các trường này”, Quang Anh cho biết.


Theo ghi nhận của PV báo Tin Tức tại một số điểm thu hồ sơ ở Hà Nội, hiện tại chưa nhiều học sinh tới nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Chị Vân Anh, cán bộ thu hồ sơ phòng GD - ĐT quận Đống Đa, cho biết: Giai đoạn đầu này chủ yếu là những thí sinh tự do. Các em học sinh phổ thông thì thường vẫn đang nghiên cứu lựa chọn trường. Nhất là năm nay với những đổi mới trong tuyển sinh, đặc biệt là các trường tuyển sinh riêng, thí sinh cũng cần cân nhắc hơn. “Trong những ngày qua, một số em đến nộp hồ sơ nhưng do ghi chưa đúng, tôi đã hướng dẫn em về làm lại. Một số em tới nộp hồ sơ mà vẫn chưa nắm vững thông tin trường mình định thi nên cũng phải hướng dẫn các em về tìm hiểu lại”, chị Vân Anh cho biết.


Cần nắm chắc phương thức tuyển sinh


Theo các chuyên gia giáo dục, do có nhiều đổi mới nên các thí sinh cần lưu ý tìm hiểu về phương án tuyển sinh của trường, khối, ngành mà mình chọn dự thi.


Một nhóm học sinh trường THPT Lương Thế Vinh khi được hỏi về thi riêng đều lắc đầu. Những học sinh này cho biết các em đăng ký dự thi vào các trường như: ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế... - đều thi theo phương án ”3 chung” của Bộ GD - ĐT và việc chọn lựa này đã diễn ra từ khi học lớp 11.

Đơn cử như những trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kiểm sát Hà Nội... dù vẫn giữ phương án thi “3 chung”, nhưng với một số ngành của các trường này vẫn có những phần thi riêng. Cụ thể, thí sinh thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội phải qua vòng sơ tuyển, ĐH Quốc gia Hà Nội có phần đánh giá năng lực ở một số ngành hay ĐH Kiểm sát Hà Nội có vòng sơ tuyển, đồng thời tiến hành phỏng vấn để xét tuyển.


Trong khi nhóm các trường ĐH vùng: ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đồng Tháp, ĐH Vinh, thì đăng ký tuyển sinh theo phương án “3 chung”, nhưng có một số ngành tuyển sinh riêng. Những trường còn lại như ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, ĐH Phan Chu Trinh... có tới 75% chỉ tiêu tuyển sinh “3 chung”, còn lại là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT hay xét kết quả thi tốt nghiệp.


“Những thông tin như trên cũng khiến thí sinh khá bối rối khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, vì vậy thí sinh cần tìm hiểu về trường, ngành học mình ứng thí. Các em cần cập nhật thông tin thường xuyên trên website của trường”, một chuyên viên của Bộ GD-ĐT cho biết.


Đây cũng là lời khuyên của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT với các thí sinh năm nay.

Bài và ảnh: Lê Vân