[KH-CN-Báo Thế giới & Việt nam] - Chiến lược bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Ngày 2/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, nhằm đổi mới tư duy phát triển biển, bảo vệ bền vững tài nguyên và an ninh quốc phòng của đất nước.


Bộ TN&MT chính thức công bố chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là hiểu rõ hơn về biển, tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững, gìn giữ chất lượng môi trường biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển.

Chiến lược này cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như đáp ứng hạ tầng thông tin kỹ thuật cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; cung cấp thông tin dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu kịp thời, đủ độ tin cậy phục vụ phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, chiến lược sẽ hướng tới nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên môi trường, nghiên cứu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển cần đi trước một bước, đặc biệt đối với đảo, cụm đảo…Tầm nhìn đến 2030 mang đến những hiểu biết cơ bản về tiềm năng tài nguyên - môi trường, những lợi thế và những bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và quốc tế liền kề để ngăn chặn, đẩy lùi nạn ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học biển.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục xây dựng những bước đi thích hợp nhằm khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên môi trường biển. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng kêu gọi các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế cần đóng góp ý kiến sâu sắc hơn nữa nhằm đưa ra những giải pháp, hoạt động cụ thể để đạt được mục tiêu như Chiến lược đề ra, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Hơn nữa, Việt Nam cũng phải sớm hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn biển, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sóng thần, kiểm soát việc khai thác nguồn nước mặn, nước dưới đất vùng ven biển, trên các đảo để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm các yêu cầu về môi trường.

P.V