Theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa: Sau hơn 2 năm triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh tại Thanh Hóa, tỷ lệ tiêm chủng có chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2012 đạt gần 95,7%; năm 2013 giảm xuống còn khoảng 66% và 3 tháng đầu năm 2014 mới đạt 11,7% số trẻ diện phải tiêm.
Trao đổi về vấn đề này, ngành Y tế Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B sơ sinh giảm là do ảnh hưởng của sự cố trong tiêm chủng xảy ra ở một số địa phương trong cả nước thời gian qua khiến nhiều gia đình lo ngại đối với phản ứng sau tiêm chủng nên không đồng ý cho trẻ được tiêm ngừa. Bên cạnh đó, sự cố tiêm chủng nói trên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của đội ngũ y, bác sĩ khiến tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh giảm mạnh. Đáng lưu ý, trong hai tháng đầu năm 2014, có 10/27 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh không tổ chức tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Để đưa tỷ lệ trẻ em trong diện tiêm chủng nói chung và tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B trẻ sơ sinh nói riêng tăng lên, đặc biệt không để xảy ra sự cố, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chương trình tiêm chủng mở rộng và Trung tâm Y tế dự phòng luôn bảo đảm đủ các loại vắc-xin tiêm phòng cho trẻ em.
Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành Y tế Thanh Hóa tổ chức tập huấn lại cho cán bộ tiêm chủng và cả các cán bộ khác có liên quan nhằm nâng cao năng lực của cán bộ y tế các tuyến trong công tác triển khai vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Ngành tăng cường hoạt động truyền thông tại các địa phương, đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tiêm chủng mở rộng, đồng thời hiểu được lợi ích từ việc tiêm liều vắc-xin viêm gan trong vòng 12 giờ đầu sau sinh, tích cực hợp tác, cho trẻ tiêm ngừa đúng lịch. Ngành Y tế Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các bệnh viện thực hiện chặt chẽ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ ngay sau sinh và tăng cường kiểm tra giám sát tiêm chủng mở rộng nói chung, viêm gan B nói riêng. Ngoài ra, ngành Y tế chấn chỉnh công tác phối hợp giữa dự phòng và điều trị để cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cũng như vắc-xin cho các tuyến bệnh viện trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận quản lý và bảo quản vắc-xin theo đúng quy định; thực hiện nghiêm túc các quy định chuyên môn bao gồm cả quy định khám sàng lọc, ghi bệnh án đầy đủ chính xác... Thanh Hóa triển khai dự án tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin viêm gan B sơ sinh phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con từ tháng 2/2012. Dự án đã đồng loạt triển khai tư vấn giáo dục sức khỏe về phòng lây truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con và vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh tại các bệnh viện, phòng khám khu vực, các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Dự án cũng đã tập huấn các quy định về an toàn tiêm chủng; tăng cường giám sát và hỗ trợ tuyến; tăng cường đầy đủ vắc-xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn, tủ lạnh bảo quản vắc-xin viêm gan B, sổ sách, phiếu tiêm chủng; tăng cường phối hợp quản lý vắc-xin... TTXVN |