[Sức khỏe -Yeutretho.com] - Gối đầu lên trái tim và… ngủ

(YTT- Ai phải đi xa, nằm ngủ trên một cái giường khác, trên đám chăn gối khác, dẫu đẹp hơn, sang trọng và thơm tho hơn hẳn cái ổ gấu ở nhà thì vẫn thấy rất khó ngủ, mọi người bảo rằng thế là do “lạ nhà”.


Ngày nhỏ, tôi có một cái chăn bông tiết kiệm do bà nội may cho. Gọi là vỏ chăn tiết kiệm vì nó được may lại từ những sấp vải vụn chỉ cỡ bằng bàn tay. Bà nội xin lại chúng từ một bác làm ở xí nghiệp mũ. Những mẩu vải nhỏ xíu, xanh xám và thô thô dần dần thành hình dưới bàn tay cần mẫn, chăm chỉ của bà. Cứ sau cơm sáng là bà đeo cái kính lão gọng đen, ngồi cạnh cửa hướng ra ngoài để đón lấy ánh sáng mà khâu. Bà cứ ngồi thế cả buổi, rất tĩnh lặng, kiên nhẫn và đầy yêu thương. Cứ như thế mỗi mũi kim nhòn nhọn của bà trên tấm chăn nhỏ lại biến thành một nụ hôn lên má cô cháu gái chấy rận.

Tôi yêu cái chăn đến mức đòi mang theo nó tới cả lớp mẫu giáo. Với tôi, cái chăn giống như vòng tay của bà nội, trìu mến và ấm áp lạ thường. Nhờ có nó, tôi đã không thấy lạ lẫm và quen ngay với những giấc ngủ trưa rất khác ở lớp. Các bạn trẻ hơn chắc sẽ không biết vào những năm 1985, lớp mẫu giáo không có giường, dù mùa đông cũng chỉ trải chiếu xuống sàn để ngủ, và những đứa trẻ tuổi tôi hồi ấy nằm sít vào nhau, đắp chung chăn để thấy được sưởi ấm và bớt khóc nhè vì nhớ cái giường êm êm ở nhà.

Sau đó ít ngày, cô giáo T rất để ý đến chăn của tôi, vì nó chắc chắn và ấm áp, ruột trần bằng bông thật, rất êm nữa. Vậy nên cô đã “mượn” nó để cho con trai cô đắp. Đó là cậu bạn to đùng, với đôi mắt luc nào cũng đỏ ngầu. Cậu ấy đã đắp chăn của tôi và tè dầm lên nó.

Khỏi phải nói là tôi thấy buồn thế nào về chuyện ấy, tôi nhớ rất rõ mình đã khóc ngay buổi trưa đầu tiên khi ngủ ở lớp mà không được đắp cái chăn thân thuộc ấy. Tôi không được nhìn thấy những ô vải mầu xám, không được nghĩ đến lâu đài công chúa với rất nhiều phòng, không được chu du bằng hai ngón tay trên vương quốc chăn bông và không được trùm chăn mà tưởng tượng ra bầu trời xanh biếc nữa.

Khi biết chuyện, bà lập tức đến nói chuyện với cô giáo và mang tôi về, bà nghỉ hẳn chợ chiều để trông tôi ở nhà và may cho tôi một cái chăn mới có thêu tên phía dưới. Bà thêu không đẹp, những nét thêu gồ ghề và giống như đường khâu hơn, bà bảo để đánh dấu cho ai cũng biết đó là chăn của tôi, của đứa cháu bé nhỏ và xanh xao nhưng xinh đẹp nhất trên đời của bà.

Tôi đã nhớ bà biết bao nhiêu.

Tôi nhớ những ngày cuối thu, thế nào bà gọi ông lão chuyên rao “Ai bật lại chăn bông cũ không?” vào để nhờ trần lại ruột chăn. Ông lão lúc nào cũng mặc chiếc áo bông trần nâu xỉn và chẳng có khuy, thay vào đó là những dải vải để buộc vào nhau. Nhà ông ở phố hàng Bông và theo nghề này là nghiệp gia truyền. Bà nội bảo chỉ bật lại chăn của ông vì muốn giúp đỡ và tính ông rất thật thà. Ông đi làm nuôi vợ bị liệt nửa người sau tai biến.. Tôi chưa gặp vợ của ông bao giờ, chỉ thấy ông kể với bà về vợ với giọng rất trìu mến, gọi là “nhà em”. Chắc hẳn một người nhiều tình yêu và tốt bụng như thế mới tạo ra những tấm chăn ấm lòng đến vậy.


Rồi bà nội ốm, rồi ông lão bật chăn bông không đến nữa, rồi người ta thích chăn con công sặc sỡ của Trung quốc, lại đến chăn lãng mạn của Hàn quốc. Cái nào nhìn cũng đẹp, đắp cũng ấm nhưng chẳng cái nào còn khiến tôi thấy yên ổn như nằm trong chăn tiết kiệm ngày xưa của bà.

Năm học cấp 3, tôi chọn môn học phụ là thêu và bắt đầu tự may vỏ gối. Một cái gối đầu tiên của tôi làm được bà rất thích có hình dây hoa nhiều mầu. Bà bảo nằm trên nó bà ngủ ngon hơn. Đến cả ngày bà ốm nặng, cái gối ấy vẫn để trên giường.

***

Giờ tôi đã có con, và công việc bận rộn khiến tôi chưa bao giờ tự tay khâu cho con mình một cái gối hay một tấm chăn nào. Nhưng cũng như tôi ngày nhỏ, bé cũng chuyển tình yêu vào một tấm chăn mà cháu gọi là “chăn chuột”, Từ năm 3 tuổi đến giờ đã 9 tuổi, cháu không thể ngủ yên ở đâu nếu thiếu tấm chăn ấy. Đi du lịch cháu mang theo chăn, từ trên gác xuống dưới nhà cũng mang theo chăn, thậm chí đọc sách ngoài hành lang cũng phải ngồi trên tấm chăn nhỏ ấy. Có lần tôi đề nghị được mua cho con một tấm chăn khác mới hơn nhưng cháu nhất quyết không chịu. Cháu thân thiết với nó dù hiện giờ nó chuyển mầu ngà ngà, rất nhiều vết bẩn không thể giặt hết và những đường chỉ thậm chí còn tuột hẳn ra.

***

Tình yêu thật kì lạ, nó thậm chí chẳng cần đến một đối tác là con người cụ thể, nó có thể lưu luyến những vật vô tri như tấm chăn hay chiếc gối, miễn là khiến ta thấy thân thuộc và an lành. Tôi thèm một lần nữa nằm trong tấm chăn tiết kiệm ngày xưa của bà để lại được thấy mình gối đầu lên trái tim và… ngủ.

Mẹ Thỏ và Emil
Yeutretho/ Seatimes