[Thế giới-Hà Nội Mới] - Tương lai nào cho Ukraine?

(HNM) - Một tháng rưỡi đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, những tưởng cuộc sống của người dân Ukraine sẽ sớm trở lại bình thường. Nhưng, mọi việc xem ra không đơn giản như vậy. Những gì đang diễn ra sau cách mạng Cam phiên bản 2 khiến dư luận lo ngại cho tương lai đất nước bên bờ Biển Đen.



Dễ dàng nhận ra Kiev đang lâm vào tình thế nan giải: Nguy cơ đối đầu với nước láng giềng hùng mạnh, một nền kinh tế kiệt quệ và bất ổn gia tăng với sự trỗi dậy của phong trào cực hữu... Trong khi đó, đúng như dự đoán, phần lớn cam kết hỗ trợ tài chính của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) để giúp Ukraine không vỡ nợ đã được thực hiện thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Điều này khẳng định người dân Ukraine sẽ phải đương đầu với những khó khăn mới do các điều kiện ngặt nghèo mà IMF đề ra để bơm tiền vào một quốc gia mà ngân khố đã trống rỗng. Không cần nói đâu xa, từ ngày 1-5 tới, giá bán lẻ khí đốt cho người dân sẽ tăng 50%. Ngoài ra, giá khí đốt bán cho các doanh nghiệp dân sinh cũng sẽ tăng 40% vào ngày 1-7 tới. Giá khí đốt tăng không chỉ là một cú giáng mạnh vào cuộc sống người dân vốn đang gặp nhiều khó khăn mà còn khiến các doanh nghiệp thêm điêu đứng. Đó là còn chưa tính đến các khoản thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD do mối giao thương Nga - Ukraine ngưng trệ.


Sự lộng hành của các nhóm cực hữu là mối lo lớn của Ukraine.


Thế nhưng, bất ổn ở Ukraine dường như không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế. Mối lo trước mắt hiện nay là sự lộng hành của các đảng cực hữu có thể biến Ukraine thành "cứ địa" mới cho các phần tử cực đoan ở Châu Âu. Nhận phần đóng góp vào cuộc lật đổ vừa qua, phe cực hữu, tiêu biểu là Right Sector (RS) và đảng Tự do đã bước vào cuộc chiến giành giật quyền lực mới đang làm dấy lên lo ngại ở Ukraine. Điều này không phải không có cơ sở khi cách đây ít hôm, gần 2.000 thành viên RS đã bao vây tòa nhà Quốc hội Ukraine khiến các nghị sĩ và nhân viên chính phủ mới được dựng lên đã phải tháo lui bằng đường hầm. Trước áp lực của RS, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cũng đã phải từ chức... Hành động của các thành viên RS đã đủ cho thấy vết rạn đã rõ giữa các nhóm từng là "chiến hữu" tham gia cuộc lật đổ hơn 1 tháng trước. Và, các nhà phân tích cho rằng, chia rẽ sẽ càng sâu sắc hơn khi cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine đang đến gần.

Theo Ủy ban Bầu cử trung ương Ukraine, đến thời điểm này, đã có 24 ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cử tổng thống. Dự kiến trong 24 giờ tới, Ủy ban này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về quy chế của các ứng cử viên. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, 2 gương mặt sáng giá nhất cho vị trí Tổng thống Ukraine hiện nay là "tỷ phú Chocolate" Petro Poroshenko và cựu Thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko nhưng chỉ với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 25% và 8,2%.

Tuy nhiên, bầu cử tổng thống đã không được xem là liều thuốc giải cho căn bệnh bất ổn của Ukraine. Nhất là vào lúc này khi bất cứ nhân vật nào được chọn vào vị trí ứng viên cũng có thể phải đối mặt với làn sóng biểu tình mới vì sự chia rẽ ngay trong sự lựa chọn của các nhóm cử tri. Trong khi đó, nhu cầu cấp thiết hiện nay của Ukraine là cần một chính khách có đủ khả năng để tiến hành hòa hợp dân tộc, dung hòa các nhóm lợi ích giữa miền Đông và miền Tây Ukraine cũng như các nhóm sắc tộc. Nhưng, những gì đã và đang xảy ra tại Ukraine suốt một thập kỷ qua cho thấy, một miền Tây sẽ không chấp nhận nhân vật hoàn toàn "hướng Đông"; ngược lại, một miền Đông cũng sẽ không gật đầu để các nhà "dân tộc học" ở miền Tây đưa đất nước theo ý họ...

Chỉ ít ngày trước đây, nhiều cử tri hôm nay ở miền Tây Ukraine từng tin cuộc lật đổ Tổng thống V.Yanukovych là một bước ngoặt hướng tới tự do, dân chủ và thịnh vượng nay đã tỏ ra hoài nghi khi chứng kiến những gì đang diễn ra. Không quá khó để họ nhận ra rằng, "cuộc cách mạng" mà họ vừa trải qua khó có thể chạm được đến những mục tiêu đã định, nhất là về mặt kinh tế. Ukraine đang đứng trước nguy cơ đi vào "vết xe đổ" của cách mạng Cam cách đây đúng một thập kỷ.