[Sức khỏe -VOV Online] - Quảng Nam: 10 người mổ mắt, 5 người bị nhiễm trùng

VOV.VN -Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, nguyên nhân của việc này có khả năng do quy trình chuyên môn dẫn đến nhiễm trùng.

10 người phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thì có đến 5 người bị nhiễm trùng phải chuyển lên Bệnh viện Mắt Đà Nẵng phẫu thuật lại, trong đó 1 trường hợp bị hỏng mắt vĩnh viễn.

Khi nghe tin có Đoàn bác sỹ của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng về Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam phẫu thuật mắt cho người dân, ngày 21/3, ông Nguyễn Hữu Duyệt, ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn nhập Bệnh viện Bắc Quảng Nam để phẫu thuật với hy vọng mắt sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, 1 ngày sau khi mổ, ông Duyệt cảm thấy mắt ngày càng đau nhức không ngủ được, nên đã xin ra Bệnh viện Mắt Đà Nẵng chữa trị.


Các bệnh nhân sau mổ mắt bị nhiễm trùng phải chuyển ra Bệnh viện Mắt Đà Nẵng (Ảnh: Đoàn Cường/Tuổi trẻ)

Ông Duyệt kể lại: “Sau khi mổ mắt về, chiều hôm sau tôi bắt đầu nhức mắt. Đến sáng hôm sau tôi vào Bệnh viện Điện Bàn kiểm tra lại, thì bác sĩ nói do lông quặm nhiều quá nên cần phải chuyển viện. Nghe vậy, tôi xin ra bệnh viện Mắt Đà Nẵng để chữa. Tại đây, bệnh viện cho tôi uống thuốc rất nhiều và ngày hôm qua tôi được mổ mắt, không đau nhức, chỉ còn cợn chút xíu”.

4 bệnh nhân khác ở tỉnh Quảng Nam cùng phẫu thuật mắt với ông Duyệt ngày 21/3 tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam đều có triệu chứng tương tự, liền chuyển ra Bệnh viện Mắt Đà Nẵng điều trị. Trong đó, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đình Quảng, 83 tuổi, trú tại xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn bị nhiễm trùng nặng phải khoét bỏ một mắt, đã được xuất viện ngày 31/3.

Bác sỹ Lê Thị Nguyệt, khoa Đáy mắt Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, những trường hợp còn lại đều đã được phẫu thuật cắt mủ nội soi và điều trị, hiện không còn đau nhức. Tuy nhiên, do nhập viện muộn nên khả năng phục hồi thị lực hoàn toàn là rất khó

“Nguyên nhân của việc này là do nhiễm trùng sau phẫu thuật. Viêm mủ nội nhãn là bệnh nặng, nếu bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, lấy dịch xét nghiệm có kết quả của kháng sinh đồ sớm thì điều trị theo thuốc có thể đáp ứng tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên những trường hợp này, bệnh nhân đến muộn, tình trạng viêm rất nặng, viêm toàn nhãn, bệnh nhân đau nhức nhiều nên kết quả điều trị chưa nói trước được”, bác sĩ Lê Thị Nguyệt cho biết thêm.

Bác sỹ Võ Đôn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật mắt hơn 3 năm nay với trên 1.000 ca thành công. Riêng đợt phẫu thuật ngày 21/3 là chương trình 1816 của Bộ Y tế về chuyển giao công nghệ đối với tuyến dưới, nên Bệnh viện Mắt Đà Nẵng có hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco. Đợt này có 10 bệnh nhân được phẫu thuật, thì 5 người bị nhiễm trùng phải chuyển ra Bệnh viện Mắt Đà Nẵng điều trị.

Bác sỹ Võ Đôn nói: “ Tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ cũng không nhiều, nhưng ngẫu nhiên trùng vào dịp 10 ca trong một đợt, trong đó có 5 ca. Nguyên nhân của việc này có khả năng do quy trình chuyên môn dẫn đến nhiễm trùng”.

50% số ca nhiễm trùng sau phẫu thuật mắt là một tỷ lệ quá lớn. Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cũng như ngành Y tế tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và có trách nhiệm cụ thể đối với những trường hợp này./.

Minh Hoa-Tuyết Lê/VOV-Miền Trung