[Pháp luật -QĐND] - Bài 2: Thủ đô như khu vườn sinh thái

QĐND - Giữa chốn đô hội Am-xtéc-đam, người ta không hề cảm thấy sự ồn ào, náo nhiệt. Trái lại, khi nhẩn nha thả bộ dọc các con phố, khách bộ hành có cảm giác như đang lạc vào một khu vườn sinh thái khổng lồ…

Chim hoang dã như là chim cảnh

Buổi sáng đầu tiên trên đất nước quê hương của Van Gốc, theo lịch trình, 8 giờ sáng, chúng tôi sẽ di chuyển từ khách sạn Bin-đơ-bớc sang khách sạn Hin-tơn để từ đó cùng đoàn đại biểu nước ta do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tới Thủ đô hành chính La Hay, cách Thủ đô Am-xtéc-đam quãng hơn ba chục cây số, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3. Tuy vậy, do lệch múi giờ, mới chỉ quãng 2 giờ sáng (tức khoảng 8 giờ sáng ở Việt Nam), chúng tôi đã không tài nào ngủ thêm được nữa. Lọ mọ sắp xếp lại hành lý, tẩn mẩn hết việc nọ sang việc kia, đến lúc chẳng còn việc gì làm mà trời vẫn chưa sáng tỏ mặt người. Thấy thời gian đầu buổi sáng còn dài, anh Hà Thanh Giang (Báo Nhân Dân) bèn nảy ra ý tưởng đi siêu thị mua trước ít quà. Ngặt nỗi, cửa hàng, siêu thị nào cũng trưng ra cái biển to giữa cửa: Thời gian mở cửa từ 8 giờ sáng. Chúng tôi tưng hửng, quay sang đi dạo phố và chụp ảnh lưu niệm.

Phố xá Am-xtéc-đam ban ngày đã thanh bình, đầu giờ sáng lại càng tĩnh lặng. Trên đường phố, lưa thưa vài chiếc xe di chuyển. Hè phố cũng không có cái vẻ tấp nập người dân thể dục, thể thao như ở bên ta. Duy chỉ có tàu điện là vẫn leng keng lại qua...


Lan can khóa xe đạp được bố trí dọc các vỉa hè.

Dọc các con phố, những thân cây cổ thụ im lìm với đám cành khẳng khiu đã bị mưa tuyết mùa đông vặt trụi lá, nhưng đã kịp chúm chím ươm những chồi non, lộc biếc, sẵn sàng bung ra đón nắng ấm mùa hè.

Trên con kênh Noorder Amstelkanaal leo lẻo trong tới tận đáy, những chú vịt giời nhẩn nha bơi lội, chẳng bận tâm tới những vị khách đang bủa lưới sự tọc mạch vào chốn riêng tư của chúng. Ở những góc khuất, vịt giời cái dịu dàng nằm trên những chiếc ổ được gom bằng cành cây, ấp ủ cho những mầm sống đang lớn dần dưới bụng. Cuộc sống của chúng đầy vẻ bình yên như đang ở giữa một khu bảo tồn đa dạng sinh học vậy.

Trên bãi cỏ xanh mướt chạy dọc theo kênh Noorder Amstelkanaal, những con quạ ồn ã “tranh cãi” nhau làm náo động cả khu vực. “Cuộc chiến” quéc quéc, quẹc quẹc của chúng cứ hồn nhiên diễn ra ngay bên cạnh những bước chân của chúng tôi trên con đường nhỏ chạy xuyên qua bãi cỏ. Sự dạn dĩ của chúng với sự hiện diện của con người khiến tôi phải tưởng tượng ra rằng, nếu chúng có đậu giữa đường mà “cãi” nhau, chắc chúng tôi cũng sẽ phải lựa bước nhường đường cho chúng, chứ chúng nhất định chẳng chịu né chạy.

Những loài hoang dã thường có sự nhạy cảm rất cao về những mối hiểm nguy rình rập. Khi chúng nhởn nhơ giữa chốn phố xá, thị thành, hẳn đó phải là nơi rất mực an toàn với chúng. Ở Việt Nam chẳng phải cũng như thế đấy sao? Trong khi bầy chim sẻ trong công viên nhao nhác bay đi khi có những bước chân người lại gần, thì chúng vẫn vô tư, an nhiên sà xuống bên cạnh những bà Tim, bà Tho bán nước ở Hà Nội, bà Sao bán vé số ở Mỹ Tho (Tiền Giang) để tận hưởng những hạt thóc thơm tho, quý hiếm được những người đàn bà lam lũ ấy chắt chiu mang đãi chim trời. Mới hay, để con người được hòa mình với thiên nhiên, thì trước tiên, con người phải biết quý trọng thiên nhiên. Nếu bên ta có nhiều hơn những người như bà Tim, bà Tho, hay bà Sao, thì một cuộc sống thị thành như giữa lòng khu vực sinh thái giống Am-xtéc-đam là điều chẳng mấy khó khăn mà đạt được…

Để rác sai vị trí: Phạt

Có một điều dễ nhận thấy, các con kênh, dòng sông chảy qua khu vực nội đô Am-xtéc-đam đều rất trong trẻo, sạch sẽ. Nếu không vậy, hẳn chẳng có chú vịt giời nào có nhã hứng thả đôi chân sậm mầu vàng nghệ mĩ miều xuống đó mà tung tăng. Trên những dòng nước dù nhân tạo hay tự nhiên, hiếm thấy một mẩu rác vô cơ khó tiêu hủy nào vật vờ trôi nổi. Cũng dễ hiểu, bởi trên các bãi cỏ dọc hai bên dòng nước, trên hè phố và dưới lòng đường, dường như không hề có mặt của rác thải sinh hoạt.

Nói về chuyện này khi đưa chúng tôi đi dạo phố, phóng viên thường trú của VTV tại châu Âu, anh Lê Hồng Quang chia sẻ:

- Ở đây, đổ rác cũng phải theo thời gian biểu. Người ta chia lịch những ngày nào trong tuần, các gia đình được phép đổ rác thải hữu cơ, những ngày nào được phép đổ rác thải có thể tái chế được… Đúng ngày, đúng giờ là phải đổ rác, nếu không kịp đổ rác đúng giờ thì phải chờ lần sau. Gia đình nào phải đặt rác ở đúng vị trí của gia đình ấy, nếu để sai vị trí là bị phạt ngay. Bà xã tôi đã có lần nhận được thông báo: Gia đình bà đã để rác sai vị trí vào ngày ấy, tháng nọ. Đây là lần đầu tiên nên chỉ cảnh cáo. Bắt đầu từ lần sau, nếu còn vi phạm, gia đình bà sẽ bị phạt…


Một chuyến tàu điện trên đường phố Am-xtéc-đam.

Tôi nghe chuyện mà phải lắc đầu, lè lưỡi. Nào ai có thể tưởng tượng nổi, chỉ để túi rác sai vị trí mà cũng bị gửi “trát” đến tận nhà, điểm mặt, chỉ tên rõ ràng như thể lúc nào cũng có người giám sát việc đổ rác của từng nhà một như thế? Mới nghe qua, tôi cứ ngỡ chuyện đùa, bởi đổ rác sao cũng phải sinh ra “thủ tục” đặt đúng vị trí làm chi cho nhiêu khê (nói không ngoa, ở ta mà bỗng dưng có ai nảy ra cái ý quy định chỗ để rác cho mỗi gia đình, có đến mười mươi là người ấy, cơ quan ấy sẽ bị thiên hạ nhiếc móc cho tơi bời)? Nhưng, ngẫm lại, chuyện tưởng vô lý, lại có cái lẽ thuyết phục để mà giải thích. Để bảo vệ môi trường, người ta đã đặt ra quy định đổ rác theo ngày, giờ, theo chủng loại rác. Nếu không quy định vị trí rõ ràng, cứ tiện đâu đặt rác đấy như ở ta, có tài thánh cũng không thể quản lý nổi nhà nào vi phạm, nhà nào không. Bởi thế, họ quản thật chặt ngay từ khâu đầu tiên, dễ dàng nhất - đặt rác đúng vị trí, để việc quản lý các khâu sau được đơn giản, thuận tiện hơn.

Việc đổ rác được thực hiện nghiêm ngặt đến thế, rác thải nào còn “cơ hội” được lăn lóc trên vỉa hè, dưới lòng đường để mà nhếch nhác và ô nhiễm? Bảo sao đường phố của họ lúc nào cũng sạch bong và những dòng nước chảy qua khu vực nội đô nơi đây mới được khoác trên mình cái vẻ mộng mơ, làm nơi trú ngụ lý tưởng của chim trời như vậy?

Ô tô điện được “chiều” hết cỡ

Dọc những tuyến phố chúng tôi qua ở Am-xtéc-đam, gây ấn tượng rất mạnh là những chiếc ô tô đỗ san sát lề đường, với những chiếc “vòi xăng” từ những “cây xăng” mi-ni được cắm liên tục vào “bình xăng” của xe mà không hề có sự kiểm soát của con người. Đem chuyện này hỏi Lê Hồng Quang, câu trả lời của anh một lần nữa khiến tôi thấy mình chẳng khác nào ông lão ngớ ngẩn:

- Đấy là những chiếc ô tô điện. Ở các nước châu Âu, ô tô điện được “chiều” hết cỡ để bảo vệ môi trường. Người dân khi mua ô tô điện đều được Chính phủ cho tiền, được ưu tiên chỗ đỗ xe sát lề đường như các anh thấy. Chỉ khi nào không có xe ô tô điện đỗ ở đấy, người đi ô tô xăng mới được để tạm vào đó. Còn “cột xăng” mi-ni ấy thực chất là những cột sạc điện cho ô tô. Thú thực, nếu không vì công việc đòi hỏi phải di chuyển nhanh, tôi cũng sẽ dùng ô tô điện như thế cho khỏe!

Ra thế! Thảo nào, trên các đường phố, tôi thấy rất nhiều ô tô chạy mà vẫn lặng lẽ, êm ru.

Lại nữa, trên các tuyến phố ở Am-xtéc-đam không hề có bóng dáng của những chiếc xe buýt kềnh càng, nghênh ngang choán hết lối đi của các phương tiện khác và "phụt" ra môi trường những cột khói đen sì như ở Hà Nội. Thay vào đó là những đoàn tàu điện thon thả, leng keng nối đuôi nhau chạy như mắc cửi. Đó đích thị là những người bạn tốt của bầu khí quyển trong lành mà chúng tôi cứ mãi tấm tắc trong suốt cuộc hành trình.

Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh tần suất và không có chỗ trống trên các cung đường phục vụ của tàu điện, người dân cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhất để sử dụng loại hình dịch vụ vận chuyển công cộng rất mực thân thiện với môi trường này. Ấy là dọc các vỉa hè, người ta chôn rất nhiều lan can inox làm nơi khóa xe đạp cho người dân. Người dân chỉ cần đạp xe ra phố, khóa xe vào lan can inox ấy là có thể yên tâm ngồi trên tàu điện, thư thái ngắm nhìn khung cảnh đẹp như vườn sinh thái cho đến tận nơi cần đến. Hết giờ làm việc, họ lại đi tàu điện về chỗ mình khóa xe đạp, lấy xe đạp về nhà. Chính quyền ở đó có vẻ cũng không phải đau đầu nghĩ cách tạo không gian cho các bãi giữ xe, người dân cũng không phải đau đầu tìm nơi gửi xe hoặc tính toán đường đi cho thuận tiện nhất nếu muốn đi xe buýt như ở ta.

Để thử cảm giác di chuyển bằng tàu điện, trên đường trở về khách sạn Bin-đơ-bớc, chúng tôi nhảy lên một đoàn tàu, nhưng thật ngại ngùng khi vô tình trở thành kẻ đi lậu vé tàu. Dưới bến tàu không hề có trạm bán vé. Chúng tôi cứ ngỡ giống ở ta, lên xe buýt sẽ có người bán vé. Nhưng không phải thế. Mỗi người khi lên tàu đều cầm trên tay một chiếc thẻ từ, tự giác quẹt vào thiết bị đọc thẻ từ ở ngay cửa ra vào, lúc xuống lại quẹt chiếc thẻ ấy một lần nữa. Khi thấy chúng tôi không làm như thế, họ nhìn chúng tôi như nhìn sinh vật lạ. Muốn thanh minh với họ rằng, chúng tôi không hề có ý định đi lậu vé tàu, nhưng không biết tiếng của bạn nên đành chịu…

Bài và ảnh: MINH THẮNG

Bài 1: Những điều mắt thấy, tai nghe ở Am-xtéc-đam

Bài 3: Giáo dục nhẹ như một trò chơi